Theo:vneconomy.vn
http://https://vneconomy.vn/nganh-det-may-quyet-tam-tro-lai-quy-dao-tang-truong-trong-nam-2024.htm
Ngành dệt may quyết tâm trở lại “quỹ đạo” tăng trưởng trong năm 2024
Vũ Khuê
Kinh tế thế giới còn hết sức bất định, nên năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam, do đó doanh nghiệp dệt may không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn. Năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam.…

Trên đây là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) tại lễ ra quân sản xuất đầu năm 2024 của Tổng công ty May 10, ngày 2/1.
MỘT NĂM VẤT VẢ NHƯNG HIỆU QUẢ THẤP
Nhìn lại năm 2023, ông Trường cho rằng có thể nói là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2020 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh.
Kim ngạch giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%, điều này cũng đã phần nào nói lên những khó khăn của người điều hành, người lao động để có thể duy trì được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2023 ngành dệt may đã có một năm lao động vất vả hơn, làm nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn. Ông Trường tổng kết lại bức tranh ngành dệt may năm qua bằng 8 từ khoá “kiên cường- dũng cảm- sáng tạo- đoàn kết”.
Phân tích rõ hơn, ông Trường cho biết sự kiên cường thể hiện ở việc từ lãnh đạo các doanh nghiệp đến người lao động đều không buông xuôi, nản chí dù trong điều kiện hết quý này sang quý khác đều liên tục khó khăn.
Sự dũng cảm được ông Trường lý giải, chưa bao giờ thấy lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp dũng cảm như năm 2023. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp phải ra những quyết định làm các đơn hàng không có hiệu quả, nhưng để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, sự hoạt động ổn định của toàn hệ thống, đặc biệt với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn dù có những rủi ro phải cân nhắc.
Sáng tạo thể hiện trong xử lý những yêu cầu hết sức đặc biệt, nhiều khi khá vô lý của khách hàng, nhưng các doanh nghiệp chúng ta đã vượt qua được bằng sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh thực sự… Chính những yếu tố này đã tạo nên thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn, suy giảm so với năm 2022 nhưng suy giảm ít.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng chia sẻ, năm 2023 với bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt, sự điều hành linh hoạt của cơ quan điều hành, cùng với đó là sự đoàn kết, phát huy trí tuệ của tập thể cán bộ công nhân viên, Tổng Công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.
Theo đó, tổng doanh thu May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đạt 9,25 triệu đồng/người/tháng, bằng cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong năm 2023, May 10 đã đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Top 100 doanh nghiệp bền vững; Thương hiệu mạnh tăng trưởng xanh… Đặc biệt đây cũng là lần thứ 9, May 10 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp quốc gia.
TRÁNH “GÁO NƯỚC LẠNH” NHƯ NĂM 2023
Năm 2024 tình hình kinh tế thế giới còn hết sức bất định, tuy nhiên quý 1/2024 đã có tín hiệu tốt hơn năm trước, sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ và sự phục hồi của kinh tế châu Âu, sự giảm nhanh của lạm phát.
Song ông Trường cũng nhắc lại, năm 2021, 2022 khi chúng ta đang trong không khí hết sức thuận lợi, hết sức hưng phấn, có phần hơi lạc quan thì “gáo nước lạnh” của 2023 đã dạy cho chúng ta bài học. Đó là thị trường mới thay đổi liên tục, kinh tế thế giới dù là kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế lớn cũng thay đổi nhanh chóng.
"Năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn", ông Trường nhấn mạnh, đồng thời kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Việt, năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từviệc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Tuy nhiên với tinh thần vượt khó, May 10 vẫn quyết tâm đạt thành tích cao trong năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng vượt 5,7 % so với năm 2023; thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng tăng 2,7% so với năm 2023.
Để đạt được kết quả này, May 10 sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.
Tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội, tăng năng lực tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Quyết liệt rà soát, kiểm soát chặt các chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, coi chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”.
--------------------------------
Sự khởi đầu tích cực cho ngành dệt may Việt Nam
Trong 2 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 2 tháng năm 2024 tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 5,1 tỷ USD.
Triển vọng khả quan
Đánh giá về triển vọng năm 2024, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, ngay từ 2 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 2 tháng năm 2024 tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 5,1 tỷ USD. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp cũng cho các tín hiệu dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, dần báo hiệu triển vọng khả quan cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.
Ngay từ 2 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực. Ảnh: Đình Đại.
Trong năm 2024, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam tăng 9,2% so với năm trước, đạt 44 tỷ USD. PHS cho rằng, các tín hiệu phục hồi ngành dệt may sẽ rõ ràng hơn từ quý II/2024 và ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ từ quý III/2024.
Kể từ quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ quần áo và hàng dệt may tại Mỹ và Nhật Bản đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Dù vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng dệt may âm nhưng nhờ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như VJEPA, RCEP, CPTPP, thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn giữ ổn định trong các năm qua ở mức trung bình đạt khoảng 10%.
Cũng theo PHS, trong 2 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may (gồm bông, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu) tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 2,1 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã dần khả quan hơn từ quý III/2023 phần nào cho thấy các doanh nghiệp đang gia tăng hàng tồn kho nguyên vật liệu để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất.
Ngoài phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam cũng đang tập trung vào thị trường nội địa. Cụ thể, tiêu thụ hàng may mặc của Việt Nam đạt gần 250.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 7,4% so với 2022 mặc dù tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức. Hành vi mua sắm trực tuyến gần đây của người tiêu dùng trong nước và sự thay đổi về thiết kế mẫu mã của các nhà sản xuất sẽ là động lực giúp ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ thời trang nội địa.
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cũng đánh giá, thị trường nội địa cũng là một thị trường chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. Theo Chủ tịch VITAS, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước, có khả năng thích ứng nhanh việc sourcing nguyên phụ liệu trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có chiến lược dài hạn cho những ý tưởng phát triển mẫu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước.
Ông Giang cho biết, thị trường nội địa bình quân hàng năm sản xuất đạt trên 5 tỷ USD. Cách bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng khác so với trước đây, chủ yếu là bán hàng qua mạng. Họ bán hàng sang các thị trường châu Phi, trung Đông, Trung Quốc, ASEAN…với tỷ trọng bán hàng trên mạng ngày càng tăng.
“Đây là xu thế mà các doanh nghiệp sẽ không phải bị động khi không có gian hàng, cửa hàng, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp tranh thủ được các dòng thuế của các nước nhập khẩu”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đánh giá.
Vẫn còn đó những khó khăn
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang có những lợi thế lớn, đầu tiên là Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do (16 FTA đã ký); tiếp đến là Việt Nam là một quốc gia có nền công nghiệp dệt may đang phát triển bắt kịp xu thế của toàn cầu về chiến lược đầu tư cho con người, chiến lược đầu tư cho công nghệ, chiến lược đầu tư phát triển quản trị số và chiến lược đầu tư phát triển xanh, phát triển bền vững; đặc biệt là chiến lược đầu tư cho các dòng sản phẩm có tính ổn định bền vững và an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang đối diện với 3 khó khăn lớn: Thứ nhất, cách nhìn và suy nghĩ của một số địa phương không mặn mà lắm với việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm do sợ tác động đến môi trường.
Thứ hai, trong quy hoạch phát triển ngành dệt may vẫn chưa định hình được địa phương nào cho phép đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên cho ngành dệt may, để các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư có chiến lược đầu tư vào các KCN dệt may, nhất là đầu tư vào phần cung bị thiếu hụt.
Thứ ba, khó khăn liên quan đến chiến lược mua hàng của một số nước đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá không thống nhất các tiêu chuẩn. Mỗi nhãn hàng đưa ra một tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp hàng năm có rất nhiều tổ chức đánh giá vào đánh giá, khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên.
Trong khi đó, PHS cho rằng, đơn giá hàng dệt may có lẽ vẫn sẽ là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam khi mà chi phí lao động ở Việt Nam vẫn đang cao hơn so với các nước đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ cùng với áp lực từ tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển trong tháng 1/2024 sang Mỹ và EU tăng gấp đôi so với tháng 12/2023 là rủi ro đáng lưu tâm cho các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và EU cao. Dù hiện tại hầu hết các doanh nghiệp này đều đang xuất khẩu theo điều kiện FOB (người mua hàng chịu chi phí vận chuyển). Tuy nhiên, căng thẳng tại Biển Đỏ cũng sẽ tác động lên thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm và cũng sẽ giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với Bangladesh.
“Do đó, chúng tôi cho rằng dù đơn hàng dự kiến sẽ gia tăng, nhưng vẫn sẽ có rủi ro diễn ra cuộc chiến giá cả của các nhà cung cấp trong ngành trong năm 2024, qua đó, biên lợi nhuận chưa thể cải thiện nhiều như kỳ vọng”, PHS nhận định.